Trong khuôn khổ kế hoạch thực hiện dự án “Vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu” tại TPHCM từ năm 2015 đến năm 2021 (gia hạn đến năm 2025) do Quỹ Bloomberg Philanthropies (tổ chức phi chính phủ - Hoa Kỳ) hỗ trợ kỹ thuật, ngày 10/06/2021, Công ty cổ phần UTC2 thuộc sự quản lý trực tiếp bởi Phân hiệu Trường đại học GTVT tại TPHCM (gọi tắt là UTC2) đã ký kết hợp tác với Vital Strategies (tổ chức đại diện cho Quỹ Bloomberg). Thời gian thực hiện dự án từ ngày ký kết đến 10/12/2021 với mục đích nhằm hỗ trợ Ban An toàn Giao thông thành phố (Ban ATGT) tiến hành thu thập, xử lý, phân tích, đánh giá và đề xuất các giải pháp cải thiện làm giảm số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) và các vấn đề liên quan đến số liệu tại nạn giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh.
Họp trực tuyến triển khai dự án của nhóm nghiên cứu với đại diện Vital Strategies
Dựa trên các khuyến nghị này, trong thời gian vừa qua, Công ty UTC2, trường Đại học GTVT đã hợp tác chặt chẽ với các đối tác BIGRS, Ban ATGT, Sở GTVT, Sở KHCN và Trung tâm Ứng dụng Hệ thống Thông tin Địa lý TP.HCM trong nhiều dự án về an toàn giao thông đường bộ. Việc hợp tác với Ban ATGT, lực lượng cảnh sát giao thông và các cơ quan y tế tại TPHCM sẽ góp phần tăng cường hệ thống giám sát thương tích và tử vong do TNGT đường bộ, vừa đảm bảo tất cả dữ liệu mang tính nhạy cảm và bảo mật. Từ đó, hỗ trợ hiệu quả Ban ATGT trong việc thu thập, phân tích, đánh giá số liệu và đề xuất các giải pháp cải thiện an toàn giao thông đường bộ tại TPHCM.
Từ năm 2015, TPHCM đã tham gia Sáng kiến Bloomberg về An toàn Đường bộ Toàn cầu (BIGRS) hướng tới mục tiêu giảm thiểu tỉ lệ tử vong và thương tích do TNGT qua việc thay đổi hành vi của người tham gia giao thông bằng cách tập trung xử lý một cách có hệ thống (bao gồm việc phối hợp chặt chẽ giữa công tác cưỡng chế với các chiến dịch truyền thông đại chúng, nâng cao an toàn đối với hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt cho các đối tượng tham gia giao thông dễ bị tổn thương, đồng thời tăng cường/ hoàn thiện công tác dữ liệu và giám sát).
Tại TPHCM, dữ liệu TNGT đường bộ được cảnh sát giao thông thu thập và thường xuyên chia sẻ các bảng tổng hợp kết quả với Ban ATGT. Tuy nhiên, chỉ những vụ tai nạn nghiêm trọng mới được báo cáo và thiếu một số hình ảnh trực quan hữu ích (bản đồ tai nạn / tử vong, tỷ lệ tương đối về số tử vong trên dân số và phân bố theo ngày, giờ). Việc xác định các "điểm đen" bằng cách sử dụng các phương pháp phân tích không gian địa lý tiêu chuẩn sẽ hữu ích cho nhiều bên liên quan đến công tác an toàn đường bộ.
Ngoài ra, một vài số liệu được báo cáo rất khó diễn giải nếu không có sự hiểu biết đầy đủ hơn về hệ thống báo cáo của cảnh sát giao thông. Do đó, việc liên kết dữ liệu với một nguồn thông tin bổ sung là cách tiếp cận được WHO và Diễn đàn Giao thông Quốc tế khuyến nghị, nhằm mục đích đảm bảo rằng tất cả các trường hợp tử vong đều được ghi lại và các thương tích nghiêm trọng được xác định rõ ràng. Theo khuyến nghị của WHO, có hai nguồn có khả năng liên kết dữ liệu của cảnh sát bao gồm: hệ thống báo cáo thương tích của Bộ Y tế và sổ nhật ký tử vong do các trung tâm y tế xã thực hiện.